Người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh nơi công cộng

Trên đường phố khu trung tâm TPHCM ngay sau giao thừa có rất nhiều rác, do nhiều người đi xem pháo hoa vứt lại một cách rất thiếu ý thức. Trong nhiều năm qua, TPHCM có rất nhiều điều đã được cải thiện vượt bậc, tuy nhiên, nạn xả rác bừa bãi không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn.

Bài viết liên quan:
Có thể thấy rác ở bất kỳ đâu, dưới lòng đường, trên vỉa hè, trên sông rạch, trong công viên, trên xe buýt, ngay trong phòng học, cả trên nóc nhà (người ở nhà tầng cao cứ vô tư thải rác xuống nóc nhà thấp hơn)… Trên nhiều tuyến đường, cứ chỗ nào thấy bảng cấm đổ rác thì hiểu ngay là ở đó có nhiều rác; chỗ nào có thùng rác thì y như rằng quanh đó rác vương vãi khắp nơi. Các điểm buôn bán trên vỉa hè hay ở nhà mặt phố không dùng thùng đựng rác, mà cứ quét rác thẳng xuống đường. Ở các miệng cống thoát nước, rác đọng nhiều, gây nghẽn đường thoát nước. Ngay cả ở nơi rất đẹp như phố đi bộ Nguyễn Huệ, có nhiều thùng rác công cộng, vậy mà người ta cứ thoải mái vứt rác vào các bồn hoa. Ở công viên bến Bạch Đằng, nhiều người vẫn tiện tay nhét rác vào các họng súng thần công trang trí đặt dọc bờ sông. Dọc đường Mai Chí Thọ có nhiều cây xanh, không ít người ra đây chơi rồi vô tư bỏ lại giấy lót ngồi, vỏ bánh kẹo, vỏ chai nước, bã kẹo cao su…



Nhiều người đi đường uống sữa, ăn bánh xong lại vứt ngay chai nước, hộp đựng xuống đường. Có người đi xe buýt, thậm chí đi ô tô, khi có rác thì mở cửa xe quăng thẳng xuống đường. Người bán dạo tùy tiện bỏ rác bất kể chỗ nào, chứ không cần đến thùng rác nhựa 120 lít. Ở ngã tư nào có người phát tờ rơi thì quanh đó tràn lan rác tờ rơi, bởi có không ít người nhận rồi vứt xuống đường. Nhiều người lượm ve chai thường xuyên bươi các bịch rác trước nhà dân để lấy phế liệu, làm rác tung tóe, vương vãi khắp nơi. Nói chung, rất nhiều người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng.

TPHCM đã có rất nhiều biện pháp để hạn chế nạn xả rác, ban hành nhiều quy định về xử phạt người xả rác. Ngành vệ sinh môi trường có một lực lượng không nhỏ để quét rác, trong đó có một số người tỉ mẩn nhặt từng mẩu rác lẫn trong cỏ, trong các bồn hoa, tiểu cảnh… Nhưng người dọn thì ít, đi dọn có giờ giấc, mà người xả rác lại đông, xả rác không kể giờ giấc nên gần như không có tuyến phố thực sự sạch. Thực tế, dù đã có nhiều biện pháp nhưng xem ra chẳng ăn thua, bởi không có ai xử lý cả.

Nhiều rác ở nơi công cộng không chỉ gây “xốn mắt” người dân mà còn là điều đáng xấu hổ với người các địa phương khác đến với TPHCM và với du khách nước ngoài. Một đô thị hiện đại, phát triển bậc nhất nước nhưng chưa thực sự thể hiện tính văn hóa, văn minh ngay trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng liên quan phải có những biện pháp quyết liệt để giữ TPHCM sạch đẹp, xanh tươi. Đó là phải đẩy mạnh tuyên truyền, từ trong nhà trường, cộng đồng dân cư, trong gia đình, chứ không chỉ bằng các khẩu hiệu. Sử dụng các phương tiện truyền thông (kể cả mạng xã hội) để phê phán, lên án mạnh mẽ hành vi xả rác. Cần có những quy định mang tính răn đe cao, như phạt tiền, phạt lao động công ích đối với hành vi xả rác và phải tổ chức lực lượng giám sát ở những nơi công cộng để xử phạt những người xả rác.

Để xây dựng TPHCM văn minh, sạch đẹp, trước hết phải nâng cao ý thức người dân, bắt đầu từ việc hạn chế nạn xả rác. Nếu chuyện đã “biết rồi” nhưng chỉ “nói mãi” mà không có hành động cụ thể, quyết liệt thì tình hình sẽ chẳng thể cải thiện.

TRỊNH MINH GIANG
Share on Google Plus

About HÀNH TINH XANH

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 comments:

Post a Comment