Tôi ngồi xuống ghế đá gần chỗ bọn trẻ vui chơi, thích thú nhìn vẻ hồn
nhiên trên những khuôn mặt đỏ bừng lấm tấm mồ hôi. Mắt tôi chợt dừng lại
ở chiếc xích đu liên hoàn hình tàu hỏa. Có mấy đứa trẻ chơi như phá,
khiến chiếc xích đu rung lên bần bật. Một cô bé chừng 7 tuổi tranh được
một chỗ trên ghế đu, quay sang đòi mẹ, một thiếu phụ khoảng 30 tuổi đứng
ngay cạnh đưa bim bim cho ăn. Vừa ăn cô bé vừa chơi nên bim bim vãi đầy
xuống đất.
Bài viết khác:
Ăn xong, cô bé vứt luôn vỏ xuống gầm xích đu, phủi tay chơi tiếp. Thấy vậy, tôi bèn nói: “Này cháu, không được vứt rác bừa bãi như thế. Phải cho vào thùng rác chứ”. Cô bé chững lại một chút, tỏ vẻ hơi xấu hổ, cúi xuống nhặt nhưng vỏ gói bim bim đã bị đẩy sâu vào trong gầm xích đu rồi giật tay mẹ: “Mẹ, lấy ra cho con”. Thiếu phụ rời mắt khỏi chiếc smartphone, hất hàm: “Lấy làm gì?”. “Bà bảo cho vào thùng rác”, cô bé chỉ về phía tôi. “Lắm chuyện, để đấy lát nữa người ta quét”, chị ta lườm sang tôi rồi gắt lên, kéo con bé bỏ đi.
Sượng mặt, tôi đành đi ra nhặt vỏ bim bim cho vào thùng rác. Chợt nhớ có lần đi sang Nhật, công ty đối tác cử một nam thanh niên đưa cả đoàn đi tham quan. Dọc đường có khá nhiều thùng rác nhưng cậu thanh niên cứ cầm trên tay chiếc vỏ chai nước đã uống hết, đến khi thấy có thùng dán hình chai nước mới vứt vào. Ngạc nhiên, tôi hỏi thì cậu ấy đáp: “Chai nước không phải là rác, không được vứt vào thùng rác”. Tôi càng ngạc nhiên: “Cũng là thứ đồ bỏ đi, vứt sai chỗ thì bị phạt à?”. “Không ai phạt cả, nhưng từ nhỏ chúng tôi đã được thầy cô, bố mẹ dạy việc này, nên trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức”.
Một việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Rõ ràng trẻ con Việt Nam cũng được thầy cô dạy “không vứt rác ra đường”, nhưng nếu vẫn còn những người cha, người mẹ thiếu ý thức như vậy, thì chưa biết tới bao giờ Việt Nam mới sạch được như Nhật Bản.
0 comments:
Post a Comment