Chúng ta luôn nhìn thấy, giẫm phải, ngửi được mùi phân hủy của rác. Nhưng chúng ta đã thành vô cảm từ lâu. Chỉ thấy trên tường, trên bảng những khẩu hiệu xem chừng rất văn minh: “Nhân dân khu phố X nói không với rác!”. Cái khẩu hiệu cũng vô cảm luôn mấy năm trời!
Bài viết khác:
Vừa rồi có dịp đi thăm thú một số nước châu Âu, từ Hungary, sang Áo, đến Slovakia rồi qua Đức, về Pháp… Nơi ở lâu, nơi chỉ đi qua một buổi hay một ngày, khi máy bay, khi tàu cao tốc, khi ô tô rong ruổi.
Từ cung điện, pháo đài châu Âu, cả thành Eger của Hungary, mon men đến tận bờ rào nhà máy điện nguyên tử bốn ống khói lớn nhất nước Pháp ở vùng sâu Lyon, hay thăm chiến khu du kích thời chống Đức quốc xã. Lê la nhiều nhà ga, sân bay, đường phố, đường làng… Thấy được nhiều điều, nghe được nhiều thứ.
Chỉ có một thứ tôi không hề thấy, đó là rác! Có thể thấy phân chó trên đường phố Paris, Bordeaux hay Lyon. Nhưng quả thật tôi không nhìn thấy một cái túi ni lông, một tờ giấy loại hay một mẩu rác nào trong suốt một tháng ở châu Âu.
Một anh bạn là kỹ sư ở sân bay Frankfurt bảo: “Rác là thứ nhiều nhất ở đây vì mỗi năm có 85 triệu lượt người ra vào sân bay. Nhưng rác cũng là thứ khó nhìn thấy nhất ở đây”. Đúng là có nhiều thùng rác inox trắng lạnh, trông sạch như đồ mổ của bác sĩ, nhưng không tìm thấy rác.
Không nhìn thấy rác trong khuôn viên mênh mông của cung điện Versailles đã đành, tôi cũng không nhìn thấy rác trên những con đường làng xa xôi, hẻo lánh, nơi nhà văn St Exupéry vẫn hay về nghỉ hè ở miền quê Lyon. Không nhìn thấy rác trong khu bảo tàng Beethoven ở gần Budapest. Những nơi có nhiều lá cây, thỉnh thoảng thấy phân súc vật, thú rừng, nhưng không thấy rác. Ai nhìn thấy xin cho biết, còn tôi, xin thề với cả hai bàn tay rằng tôi không nhìn thấy. Có thể tôi chỉ là con ếch ngồi đáy giếng chăng?
Ở những nơi tôi đến, chó đi chơi với người, thiên nga bơi cạnh người (như trong hồ Balaton ở Hungary) hay nhím vẫn đi lại, sống chung với nhau, như trong vườn nhà dịch giả Giáp Văn Chung ở Budapest. Chúng được quý trọng, thương yêu chứ không để ăn thịt. Thượng Đế có sơ suất là quên dạy chúng dọn sạch sẽ những thứ thải ra. Con người không có lỗi.
Nhưng rác là do con người thải ra và con người nơi đây đã học được cách giấu chúng vào đúng chỗ. Không nhìn thấy rác trên đường phố, đường làng châu Âu, không thấy người châu Âu khạc nhổ ngoài đường hay nơi công cộng là chuyện bình thường, quá bình thường, chẳng có gì để nói.
Nhưng ở xứ ta, khắp nơi đều có thể nhìn thấy túi ni lông, giấy vụn, kể cả ở tận rừng U Minh mà tôi có dịp nhìn thấy. Cũng thường thấy người đi đường khạc nhổ, người ngồi trên ô tô thảy rác qua cửa, phủ lên mặt người đi xe máy ở phía sau. Những người đi tàu hỏa tống hàng lố rác bay như đuôi sao chổi dọc đường tàu. Chúng ta đi qua, bỏ qua, lờ đi, có thể bịt mũi hay nhăn mặt nhưng vì là chuyện bình thường nên chẳng ai nói một câu, chẳng ai thấy đỏ mặt.
Chúng ta luôn nhìn thấy, giẫm phải, ngửi được mùi phân hủy của rác. Nhưng chúng ta đã thành vô cảm từ lâu. Chỉ thấy trên tường, trên bảng những khẩu hiệu xem chừng rất văn minh: “Nhân dân khu phố X nói không với rác!”. Cái khẩu hiệu cũng vô cảm luôn mấy năm trời!
Nhưng chuyện rác đã đến lúc không còn chịu đựng nổi được nữa. Rác trong quán ăn (như quán phở chẳng hạn, là món người nước ngoài rất thường ăn), rác trên đường phố, rác trong cả bệnh viện, trường học… Bộ mặt đất nước trở nên lem luốc với khách nước ngoài, với cả chính chúng ta, vì rác. Con cái chúng ta không được dạy từ nhỏ vì mở mắt ra là chúng nhìn thấy người lớn vứt rác, thậm chí là xác chuột chết ra đường, như chuyện bình thường.
Không chỉ châu Âu. Nhìn quanh ta, Singapore sạch như lau như ly. Người Tàu nửa đầu thế kỷ trước bị thế giới chê là ở bẩn thâm căn cố đế, nay một tỉ dân đang học cách không khạc nhổ hay vứt rác xuống phía dưới chân mình. Còn chúng ta, tại sao không? Tại sao? Câu hỏi làm điên đầu. Chỉ trông chờ vào chuyển biến ý thức thì không biết đến bao giờ. Phạt nặng như Singapore thì may ra mới hạn chế được rác. Nhưng chỉ làm được điều đó khi dân biết kính trọng chính quyền, đúng hơn, chính quyền biết cách làm dân kính trọng. Có người bảo tôi: “Suy cho cùng vẫn là chuyện nghiêm minh và gương mẫu”.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 comments:
Post a Comment