Sydney gây lưu luyến vì những điều rất nhỏ

Sydney là một cái tên thân quen với người Việt vì nhiều lẽ: số lượng kiều bào sinh sống đông đúc; sự hiện đại, năng động kèm theo những cơ hội học tập, nghề nghiệp, định cư; kiến trúc vững chãi mà lại nhẹ nhàng; khí hậu ôn hòa... Riêng tôi, Sydney gây lưu luyến vì những điều rất nhỏ.

Bài viết khác:

 
Ngồi ghế ngày xưa, nhớ nhìn hướng người xưa

Trước khi được thấy tận mắt, tôi tưởng tượng ghế ngồi của bà Macquarie được đặt trong một dinh thự hoặc điền trang nào đó và hẳn phải làm bằng gỗ quý hay một chất liệu đặc biệt. Thậm chí, tôi còn liên tưởng đến những chiếc ghế bí ẩn và lắm giai thoại trong những bộ phim đã xem. Tôi cũng tự hỏi bà Macquarie là ai mà ghế ngồi của bà lại trở thành một điểm tham quan nổi tiếng của Sydney như thế.

Chừng đến nơi, tôi mới thấy mọi thứ khác xa với trí tưởng tượng. Đó là một “chiếc” ghế đá, đúng nghĩa chỉ toàn đá, nằm chênh vênh giữa đất trời. Thật ra, đó là một khối đá nhỏ được đẽo gọt thành ba bậc tam cấp lớn và một lưng tựa cạnh chiếc thùng rác. Dựa vào những chữ khắc trên lưng tựa, tôi hiểu lờ mờ rằng bà Macquarie thường ngồi ở đây để nhìn ra bến cảng.

Lachlan Macquarie là một trong những thống đốc nổi tiếng nhất của lịch sử Úc. Ông giữ vai trò then chốt trong việc chuyển New South Wales từ một thuộc địa của Anh thành vùng đất tự do, góp phần khẳng định dáng hình nước Úc ngày nay.

Những năm đầu thế kỷ 19, người vợ thứ hai của Lachlan Macquarie là Elizabeth thường có thói quen rời khỏi ngôi nhà của mình mỗi ngày và đi bộ dọc bán đảo, sau đó ngồi trên một mỏm đá, ngắm vọng ra xa, nơi có nhiều tàu thuyền của Anh Quốc ra vào. Vào khoảng năm 1810, các tù nhân ở đây đã đẽo sa thạch thành một chiếc ghế dành tặng bà.

Macquarie cũng không bao giờ biết rằng, chệch khỏi hướng nhìn của bà một chút, hơn hai trăm năm sau, hai biểu tượng bậc nhất Sydney mọc lên: nhà hát con sò (Sydney Opera House) và cầu cảng Sydney (Sydney Harbour Bridge). Vì lẽ đó, khi tìm đến điểm tham quan này, du khách hiếm khi nghĩ về vợ chồng Macquarie. Họ thích thú ngồi vào chiếc ghế này để... ngắm hai công trình nổi tiếng kia. Ngay cả tôi cũng thế, cho đến khi một du khách mỉm cười với tôi, nói nhỏ như thủ thỉ: “Hãy nhìn về hướng mà bà Macquarie đã nhìn, hướng Đông Bắc”. Một chỉ dẫn đơn giản mà đáng ngẫm. Trong những chuyến hành trình, có khi ta mải chú ý đến thắng cảnh ở khía cạnh vật thể mà quên đi cái “phi vật thể”. Có bao giờ ta đứng ở Đèo Ngang mà cố hiểu bà huyện Thanh Quan đã nhìn gì, thấy gì đến nỗi chỉ còn “một mảnh tình riêng”? Có bao giờ ta ghé thăm Yên Tử mà tự hỏi nơi nao Phật hoàng Trần Nhân Tông đã viết kinh, thiền tọa? Hãy thử kiến tạo điểm nhìn tương ứng với những người muôn năm cũ. Để cảm nhận, dù chỉ một phần nhỏ nhoi những gì mà họ đã trông, đã ngẫm.

 Những chiếc vali rơi

Buổi sáng rời Sydney, tôi tranh thủ chụp ảnh con đường trước khách sạn và tiệm phở Mẹ ơi. Sân bay Sydney cũng nằm trong nội thành như sân bay Tân Sơn Nhất. Khi xe chúng tôi còn vài trăm mét nữa là đến nơi thì có một chiếc ô tô cố đuổi theo xe và hét lớn “Rớt va li!”. Tài xế điếng hồn dừng lại. Xe của Úc hay có cái rờ moọc kéo theo mà tôi vẫn gọi đùa là bô rác. Cả đoàn để hành lý trong này. Khi mọi người ùa xuống thì phát hiện cửa mở toang, mất năm cái va li. Thế là bác tài quay lại đường cũ, bắt đầu công cuộc tìm kiếm. Đến một ngã tư, tôi trông thấy một người đàn ông đứng với một va li màu hồng và màu đen. Hai chủ nhân vội xuống xe xin lại. Lại hộc tốc đi đến những ngã đường khác. Qua một công trường thì thấy một nhân viên đang đứng với một chiếc va li đỏ. Lại ào xuống. Người này dẫn chúng tôi vào bên trong công trường, lôi ra hai va li nữa. Cái ca rô cuối cùng chính là của tôi. Sứt dây kéo, trầy xước và thủng vài chỗ. Nhưng ấm lòng vì người Sydney quá tốt và chu đáo. Ơn trời, chiếc va li cuối cùng cũng theo tôi về nhà. Đồ đạc bình an cả.

Trước khi đến Sydney, tôi nghe nhiều người nói rằng thành phố nhộn nhịp này sẽ chẳng hơi nào để ý sự hiện diện của bạn đâu. Mọi người ăn nhanh, nghĩ nhanh và lướt qua bạn rất nhanh. Nhưng đi một vòng Sydney rồi, tôi biết là không phải. Thành phố này chẳng quên một điều gì cả. Tôi có thể thấy mọi thứ quyện vào nhau thật hài hòa ăn khớp, từ các phương tiện hiện đại xuôi ngược đến những chuyến xe lửa 20 phút cổ điển mà tiện lợi, từ những khu đô thị chót vót đến các dãy nhà thâm thấp có vườn cây, từ những câu chuyện vĩ mô về quá trình kiến thiết Sydney đến những điều nho nhỏ đã in dấu trong tôi...
Share on Google Plus

About HÀNH TINH XANH

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 comments:

Post a Comment