TP Hải Phòng mỗi ngày thải ra khoảng 1.200 tấn rác, trong đó nông
thôn chiếm 30%, được xử lý tại các điểm tập trung của thành phố, 3 điểm
tập trung của các huyện và gần 200 điểm nhỏ lẻ. Ở nhiều vùng nông thôn,
giờ đi đâu cũng gặp rác. Rác thải rất ẩm, phức tạp về thành phần với đủ
xác động vật chết, chất thải từ sinh hoạt…
Tin bài khác:
Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển thì lượng rác càng lớn. Trong khi công nghệ xử lý rác còn lạc hậu, kinh phí eo hẹp…
Quá tải, bế tắc
TP Hải Phòng mỗi ngày thải ra khoảng 1.200 tấn rác, trong đó nông
thôn chiếm 30%, được xử lý tại các điểm tập trung của thành phố, 3 điểm
tập trung của các huyện và gần 200 điểm nhỏ lẻ.
Trong tổng số 153 xã, thị trấn trên địa bàn Hải Phòng, hiện có 63 xã,
thị trấn được vận chuyển rác về xử lý tại các bãi rác tập trung của
huyện và TP. 90 xã, thị trấn còn lại có 156 bãi rác tạm thời. Trong đó
có 116 bãi được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng chưa bảo đảm quy
trình kỹ thuật, 40 bãi đã quá tải, cần đóng cửa. Các bãi rác tạm thời
phần lớn lộ thiên, gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Được biết hiện có khoảng 85% lượng rác ở nông thôn Hải Phòng được thu
gom, xử lý. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác còn lạc hậu, mới dừng lại ở
phương pháp chôn lấp là chính. Hiện việc chôn lấp rác đã đến mức giới
hạn. Gần đây, một số nơi dùng lò đốt cỡ nhỏ để xử lý rác nhưng hiệu quả
chưa cao.
Đến tháng 7/2016, các huyện ngoại thành Hải Phòng có tổng số lò đốt
rác đang hoạt động và xây dựng là 7 lò. Trong 4 lò đã hoàn thành và đưa
vào sử dụng thì có 2 lò không đạt nhiệt độ theo công suất thiết kế, 2 lò
còn lại không rõ nhiệt độ lò đốt. Hơn nữa, do quy mô nhỏ nên các lò đốt
không đáp ứng được nhu cầu.
Tại kỳ họp HĐND TP diễn ra tháng 12/2016 vừa qua, đại biểu HĐND bày
tỏ băn khoăn: Sau khi các lò đốt rác hoạt động không hiệu quả, TP yêu
cầu tạm dừng đầu tư xây dựng các lò đốt rác nhưng chưa có giải pháp xử
lý rác thải tại nông thôn, dẫn đến việc rác thải tràn ngập một số tuyến
đường, kênh mương ngập rác…
Đến nay, việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung
cấp huyện theo quyết định của UBND TP từ năm 2012 chưa hoàn thành do còn
gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư, mặt bằng. Hiện Hải Phòng mới
đang xây dựng một khu xử lý chất thải rắn tập trung rộng 6ha tại xã Minh
Tân, huyện Thủy Nguyên.
Khó nhất kinh phí
Nhiều xã than kinh phí dành cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn eo hẹp.
Ông Vũ Viết Thịnh – Chủ tịch UBND xã An Thái, huyện An Lão cho biết,
xã bắt đầu tổ chức thu gom rác thải từ năm 2011, tần suất 3 lần/tuần.
Hiện lượng rác thải trên địa bàn xã An Thái khoảng 12m3/ngày.
Lượng rác này gom về bãi rác tạm của xã, được xử lý bằng cách chôn lấp
mỗi năm 3 lần. Hằng tháng có 3 lần phun chế phẩm sinh học, vôi bột, hóa
chất để khử mùi, hạn chế ruồi muỗi.
Mỗi năm, TP hỗ trợ xã một phần kinh phí cho hoạt động thu gom, vận
chuyển, xử lý rác thải và mỗi hộ gia đình nộp phí vệ sinh theo quy định
là 20 nghìn đồng/tháng. Nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, trong đó có
trả lương, BHXH cho đội thu gom, xử lý rác gồm 27 nhân viên, chi phí vận
chuyển, xử lý rác… Xã phải rót thêm ngân sách và xã hội hóa mới đủ.
Địa phương đang đề xuất thu phí vệ sinh thấp nhất là 6 nghìn
đồng/khẩu/tháng thay vì mức 20 nghìn đồng/hộ gia đình/tháng để thực hiện
thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.
Với việc thu phí vệ sinh theo khẩu (7 nghìn đồng/khẩu/tháng) từ năm
2015, xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) cũng mới tạm đủ chi cho việc thu gom,
xử lý rác trên địa bàn. Trước đó, xã thu phí vệ sinh theo quy định là
20 nghìn đồng/hộ gia đình/tháng thì xã phải bù vào 5-7 triệu đồng/tháng.
Từ khi thu theo khẩu, ngân sách xã không phải bù nữa.
Hiện tổ thu gom rác có 9 người, đi thu gom rác hằng ngày và vận
chuyển luôn lên bãi rác tập trung của huyện. Tuy nhiên, với mức lương
3,5 triệu đồng/người/tháng, tổ thu gom khó tìm được người lao động trong
bối cảnh xã có khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều công nhân với mức
lương khá hơn nhiều.
Còn theo chị Đoàn Lê Mai – cán bộ phụ trách môi trường UBND xã Trân
Châu (huyện Cát Hải), với mức thu phí vệ sinh tại địa phương là 15 nghìn
đồng/hộ gia đình/tháng, phải tiết kiệm hết mức mới đủ chi.
Hiện lượng rác thải mỗi ngày của xã Trân Châu khoảng 18m3. Xã có 2 ga rác ở thôn Bến và các thùng rác đặt dọc theo tuyến đường của các thôn.
Tại các điểm tập kết rác, Chi hội phụ nữ các thôn đứng ra đảm nhận
một số phần việc như vệ sinh, phun chế phẩm sinh học khử mùi và khu vực
đặt thùng rác. Kinh phí xã chỉ có thể hỗ trợ một phần cho họ làm công
việc này với mức 350- 500 nghìn đồng/tháng.
Cứ 5 ngày, rác được thu gom, vận chuyển lên bãi rác tập trung của
huyện. Riêng chi phí vận chuyển rác từ xã lên huyện đã ngốn 48 triệu
đồng/năm. Thuốc phun khử mùi cũng cần khoản kinh phí không nhỏ vì khá
đắt.
Chị Đoàn Lê Mai nói: “Rác để ở thùng 5 ngày mới chuyển một lần, mùa
đông thì được chứ mùa hè rác bốc mùi nặng, phải phun nhiều thuốc khử
mùi. Rồi cứ 2 năm phải thay thùng một lần vì chúng ở ngoài trời nhanh
hỏng, vỡ, không thể chứa rác được. Rồi mua dụng cụ lao động cho người
thu gom, vận chuyển như xe rùa, xẻng… Nói chung, chúng tôi phải tự cân
đối, năm nay mua cái này thì năm sau mua cái kia”.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 comments:
Post a Comment