Bài viết liên quan:
- Thùng đựng rác trên phố Hào Nam
- Giá thùng rác nhựa 60 lít tại Đại lý
Ra khỏi cửa nhà là gặp rác
Nghị định 155 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2017. Theo đó, các hành vi như vứt tàn mẩu thuốc lá, vệ sinh cá nhân, vứt rác thải bừa bãi không đúng nơi quy định đều có thể bị phạt đến hàng triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV. Báo GĐ&XH, nhiều người dân vẫn thờ ơ với quy định xử phạt hành chính này.
Tại một số tuyến phố của Hà Nội như khu vực các quận Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa… người dân vẫn vô tư xả rác. Rác được vứt ngay trước cửa nhà, rác xuất hiện đầy trong chợ, khu chung cư, cạnh hệ thống thoát nước, thậm chí là cạnh… thùng đổ rác. Tương tự, hành vi vệ sinh cá nhân (như tiểu tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, khu thương mại, đường phố… vẫn tiếp tục xảy ra như chưa hề có luật.
Quan sát của PV chiều 9/2, tại khu vực đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), đây là trục đường tập trung nhiều cửa hàng ăn uống, buôn bán, nhà trọ nên tình trạng xả rác diễn ra thường xuyên và công khai. Nhiều người dân tại khu vực này không những không bỏ rác đúng thời gian quy định mà còn sai địa điểm thu gom rác. Đa số đều “tiện đâu bỏ đó”. Thậm chí, nhiều người còn thản nhiên vứt rác ngay dưới biển cấm. Tại đường Nguyễn Khang (phường Quan Hoa, Cầu Giấy), rác vẫn bị vứt ngay dưới lề đường, gốc cây xanh và dọc trên vỉa hè…
Thậm chí, ngay tại trung tâm TP. Hà Nội, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn xảy ra tình trạng người dân vứt rác bừa bãi tại các địa điểm vui chơi, một số cửa hàng kem quanh khu vực hồ. Đặc biệt, xung quanh các điểm trông giữ xe, hàng quán tại khu phố cổ thì tình trạng này còn phổ biến hơn.
Phải thật mạnh tay
Một người đàn ông vứt rác ngay cạnh biển cấm.
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo GĐ&XH cũng thực hiện một cuộc khảo sát nhanh với người dân sống trên địa bàn Thủ đô. Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy cứ 10 người được hỏi hỏi về Nghị định 155 thì chỉ có 2 người biết đến quy định xử phạt của nghị định này. Tuy nhiên, khi được giải thích rõ về các quy định xử phạt, tất cả đều cho rằng Nghị định có tính răn đe vì các quy định phạt tiền đều rất cao nhưng không chắc chắn về tính hiệu quả, bởi từ trước đến nay họ chưa từng biết hoặc nghe đến bất kì trường hợp nào vi phạm một trong các quy định trên mà bị xử phạt dù rác vẫn xuất hiện khắp nơi.
Cũng theo đa số ý kiến của những người được khảo sát, biện pháp đánh vào túi tiền của người vi phạm là rất tốt nhưng nếu quy trình phát hiện, xử phạt không được đảm bảo sẽ dễ gây “nhờn” luật và xả rác không đúng nơi quy định xuất phát từ ý thức kém là phần nhiều. Trao đổi với PV, chị Hoàng Thu Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội), một trong hai người biết đến quy định xử phạt này cho biết: “Tôi có biết đến thông tin này qua các kênh thông tin đại chúng. Bản thân tôi thấy tính khả thi của quy định xử phạt chưa cao vì từ trước tới giờ chưa nghe thấy ai vứt rác không đúng nơi quy định mà bị phạt cả”. Cũng theo chị Thủy, quy định xử phạt trong Nghị định đều rất cao. Nếu làm nghiêm túc mọi việc sẽ đi vào trình tự nhưng nếu nương tay thì chắc chắn đâu sẽ lại vào đấy.
Nói về hành vi vứt rác bừa bãi của người dân Thủ đô, ông Đoàn Văn Huyên, nhân viên vệ sinh Công ty Cổ phần Rau sạch Sông Hồng nói: “Nhìn chung vẫn còn rất nhiều người chưa ý thức được việc phải đổ rác đúng nơi quy định. Nhiều khi đẩy xe đi thu gom rác, công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi vừa đi qua thì họ vứt ngay rác đằng sau, mặc dù xe rác chỉ cách vài bước chân”. Theo ông Huyên, khi nhắc nhở người dân đổ rác đúng quy định, nhiều người viện cớ không có thời gian và tệ hơn là nhiều người cho rằng họ có quyền bỏ rác bất cứ đâu vì đã nộp tiền thu gom rác hàng tháng.
Liên quan đến vấn đề trên, PV Báo GĐ&XH đã liên lạc với UBND các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm để hỏi về biện pháp và cách thức tổ chức thực hiện của các quận này nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin trả lời.
0 comments:
Post a Comment