Chưa ở đâu mà túi ni lông được sử dụng một cách phổ biến và nhiều như ở Việt Nam. Túi ni lông đựng đồ đi chợ, túi ni lông đựng đồ mua sắm, túi ni lông còn thay thế thùng rác để đựng rác thải.
Bài viết tham khảo:
Có lẽ, không bao giờ có chuyện bước chân vào hàng quán nào để mua thực phẩm hay mua sắm trang phục, giày dép… mà bạn không dùng đến túi ni lông để đựng. Sau khi thanh toán tiền hàng, bạn sẽ được chủ quán để thứ hàng mình mua vào một dạng túi ni lông nào đó.
Vì rẻ, vì tiện, túi ni lông đang được sử dụng tràn lan, không đúng cách. Trước mắt, loại túi này đặt ra vấn đề về ô nhiễm môi trường. Tiếp đến là những nguy cơ gây hại sức khỏe từ loại nhựa tạo nên túi ni lông có khả năng thôi nhiễm ra đồ đựng trong đó, ở đây chúng ta bàn tới vấn đề thực phẩm.
Túi nylon là biểu hiện của sự chu đáo, quan tâm, phải chăng là thế? Sự chu đáo, quan tâm ấy lại được tính giá rẻ, nên cũng dễ thực hành. Rồi phàm cái gì dễ thực hành quá, rẻ quá lại phản tác dụng, có khi phải trả giá đắt cho tương thì tương lai mà ta vờ như chưa tiên liệu được, mới khổ!
Bạn sẽ làm sao để ngăn túi nylon đi vào nhà mình?
Có mà đằng trời. Vô phương. Khi bản thân bạn, người ý thức cao ngời trong chuyện hạn chế sử dụng chúng để góp phần bảo vệ môi trường thì thường xuyên thất thủ, mà chẳng phải thất thủ ở chợ búa đâu, thất thủ ở tiệm bánh, tiệm sách, những chốn tưởng văn minh. Bạn tự nhủ, thôi, ai sao mình vậy cho qua chuyện. Bạn tự dễ dãi, thôi, sống là phải biết thỏa hiệp hoàn cảnh. Vậy thì trách chi mấy bà vợ Việt Nam đa phần có một điểm chung: đam mê túi nylon không thể tưởng. Niềm đam mê ấy lớn lên theo thời gian, đôi khi nó còn là một sự tham lam, một khoái cảm sở hữu chứ không thuần túy là để sử dụng. Thứ rẻ tiền ấy đáp ứng ngay khoái cảm đó một cách dễ dàng và phi lý trí. Người đưa phi lý trí, người nhận phi lý trí. Người bán phi lý trí, người mua phi lý trí. Kẻ không biết phi lý trí đã đành, người biết cũng phải thỏa hiệp phi lý trí để dễ sống, để không bị coi cao đạo, chứng tỏ ta đây.
Vậy, với túi nylon, xã hội coi như được bình đẳng.
Vậy nên, tôi để ý các bà từ thành phố đến thôn quê, gần giàn bếp, chái bếp bao giờ cũng có chỗ cất giữ túi nylon. Trữ lượng túi nylon trong các nhà bếp của dân đang rất cao. Ngày trước, có một vụ ly dị, nghe bảo lý do rất lãng xẹt: ông chồng trịnh trọng nói với tòa rằng ổng không chịu nổi vợ mình chỉ vì cô ấy là một người vợ bần tiện - cô ấy có cả bộ sưu tập túi nylon trong nhà. Cô vợ mếu máo nói lại với tòa rằng, ông ấy không biết chứ, tôi để trữ túi nylon là cũng vì ông ấy, nhờ có túi nylon mà giày dép của ổng được bao bọc tinh tươm, không bám một hạt bụi, ra đường bóng lộn, ông ấy mới tơ hào gái gú rồi lại quay về quở chê tôi. Chuyện thực hư chẳng biết, nhưng để cái túi nylon can thiệp vào trong hôn nhân, thì là chuyện lớn rồi!
Năm 2013, Thủ tướng thời đó có ký duyệt một đề án có tên Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Dự án có cái tên rất dài đó sẽ đánh vào các siêu thị và chợ. Ban lập đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ giảm 65% túi nylon thải vào môi trường; tính toán làm sao để giảm loại túi nylon khó phân hủy ở những nơi mua bán, đồng thời trong các khu dân cư cần có những thùng phân loại rác để người dân không tùy tiện quăng bừa túi nylon. Đến nay đi đã được hơn nửa chặng đường, không rõ tình hình hiệu quả đến đâu. Nhưng có một điều khó mà chối cãi đó là tới nay, khi nói tới ý thức môi trường trong phân loại rác: thật tình với nhận thức vệ sinh môi trường của người Việt Nam ở giai đoạn này, việc có thùng rác để đặt rác, đòi hỏi đặt rác đúng chỗ chứa rác là đã vô cùng khó, nói chi tới chuyện phân loại rác tái chế, rác khó phân hủy...
Cứ thế, túi nylon từ chợ, siêu thị, tiệm bánh, tiệm sách... về nhà, rồi từ nhà chảy ra môi trường tự nhiên, không day dứt, nghĩ ngợi gì cho mệt. Lâu dần thành thói quen, lâu hơn thành tập quán bừa bãi, khó đổi vô cùng.
Núi rác Đa Phước ở TPHCM đang rò nước và mùi hôi thối ra xung quanh. Bao nhiêu trong đó là những thứ không tiêu hủy được? Bao nhiêu trong đó là túi nylon mà người dân TPHCM thải ra hàng ngày? Núi rác sẽ quá tải trong không lâu nữa. Điều đó có làm thay đổi một chút ít tính tùy tiện ra vẻ hào phóng của chúng ta trong hành xử với từng chiếc túi nylon?
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 comments:
Post a Comment