Rác -- chất thải nói chung ---vốn là một cái gì rất phiền phức với nghiã nó là một bộ phận của cuộc sống, tách nó ra khỏi cái hữu ích đôi khi rất khó.
Việc đời là thế, cái gì cũng có niên có hạn của nó, cái gì rồi cũng có thể trở thành rác cả.
Thuốc quá đát dùng còn có hại, một số loại hoa đến kỳ héo còn bốc mùi khó chịu và gợi bực mình, ai giữ trong nhà mãi được?
Nay là thời các thứ bao bì được làm rất đẹp, một hộp bánh mua về ăn hết rồi, dân Hà Nội nhiều người già cỡ tuổi tôi trở lên thường vẫn nhìn cái hộp với sự nuối tiếc, cố nghĩ ra lý do để giữ nó lại.
Nhưng cái gì cũng giữ -- lọ đựng mấy viên thuốc cũng giữ, vỏ chai ruợu cũng giữ, hộp xốp đựng cái nồi cơm điện cái quạt cũng giữ --, thì nhà thành cái kho rồi còn gì, mà kho nào đựng hết ?
Phải tự lên dây cót một lúc như thế rồi mới cả quyết quăng mấy thứ chai hộp ấy ra rác. Hoặc các loại báo tết, tờ nào giấy cũng trắng bìa cũng đẹp nhiều bài vở công phu nhiều nơi anh em biên tập mai phục cả năm chuẩn bị bài, nay đem bán cân cứ thấy dùng dằng. Hoặc những quyển từ điển nó là vật tuỳ thân của mình, mua được những cuốn mới biên soạn tốt hơn mà đứng trước quyển cũ cũng phải nhấc lên bỏ xuống dăm bảy lần mới dám thay thế.
RỒI CẢ NHỮNG CON NGƯỜI NỮA, NGƯỜI HÔM QUA RẤT ĐƯỢC VIỆC NHƯNG HÔM NAY QUÁ LỨA NHỠ THÌ, LÀ RÁC CHỨ GÌ ?
THƯƠNG NHAU DÙNG TIẾP TAI VẠ NHƯ CHƠI. KHÁC CHI GIỮ RÁC TRONG NHÀ CHỈ TỔ LƯU CỮU Ổ BỆNH!
Nói thế nghe tàn nhẫn quá.
Nhưng đứng lùi ra mà nhìn, vì quyền lợi tương lai mà nhìn, làm sao khác được.
HÀNG TỒN KHO đã lắm, người ta lại còn hay viện cớ đóng góp hôm qua để đòi xử lý cho được cả tình lẫn lý.
Cứ vẩn vơ mãi với khúc Người ơi người ở đừng về.
Thay thì thấy áy náy, mà để nguyên thì hỏng việc.
Ác một nỗi, người lại không ghi thời gian sử dụng như thuốc và không phải bao giờ cũng héo hon trông thấy như hoa, sự tình nghĩa khiến cả họ cả làng sống chung với loại di luỵ này hàng ngày mà không biết làm thế nào cho phải.
0 comments:
Post a Comment