Mang thiên nhiên vào tên họ
Tôi rất thích hỏi nguồn gốc hay ý nghĩa của họ người Thuỵ Điển. Trong khi tên (first name) của người Thuỵ Điển không có gì đặc biệt thì họ (surname) của họ lại đặc biệt thú vị. Một cậu bạn tôi có cái họ nghe lạ tai là Jangentorp. Một ngày fika, cậu từ tốn kể rằng tổ tiên cậu không có họ này. Chả là ông nội cậu ấy xây một ngôi nhà mùa hè rất đẹp cho cả nhà ở Jangen. “Torp” trong tiếng Thuỵ Điển là từ chỉ ngôi nhà mùa hè đặt ở giữa rừng hay giữa hồ, thường không có nhà vệ sinh trong nhà. “Jangentorp” có nghĩa là “ngôi nhà mùa hè trong rừng ở Jangen”. Vì quá thích ngôi nhà cùng những khoảng thời gian cả gia đình “trốn” thành phố lớn về ở torp, ông nội cậu đổi luôn họ của cả nhà thành “Jangentorp”. Và thế là cha cậu và cậu được sinh ra đều mang họ đó và đều dành cả mùa hè trong ngôi nhà giữa hồ ở Jangen.
Điều thú vị nữa là bạn rất dễ dàng tìm thấy cây cối “lẩn trốn” trong tên họ của người Thuỵ Điển. Chỉ trong văn phòng nhỏ xíu của tôi thôi mà danh sách nhân viên đã có đủ các… bộ phận của cây: Grankvist có vist (cành cây con), Almgren có gren (cành cây to), Hägglund có lund (lùm cây), Lindblad có blad (cái lá)... Ngộ nghĩnh nhất là khác với người Hoa hay người Việt, lấy tên các loài hoa đẹp và yểu điệu, phần thiên nhiên trong họ người Thuỵ Điển thường mộc mạc nhưng cũng đáng yêu và vì là họ nên cả nhà đều cùng nhau mang… cái thân cây trong tên mình.
Thiên nhiên gắn bó với văn hoá Thuỵ Điển đến nỗi bản thân tên các thành phố của Thuỵ Điển cũng gắn liền với thiên nhiên: stock trong Stockholm có nghĩa là khúc cây, göte trong Götegorg (tên Thuỵ Điển của thành phố Gotenburg) có nghĩa là hoa, Gävle có nghĩa là bờ sông còn berg trong Grängesberg có nghĩa là ngọn núi.
Những người thích “phiền hà”
Một cô bạn làm cùng tôi có thói quen rõ “phiền hà”. Buổi trưa nào cô nàng mua salad bán sẵn đựng trong hộp nhựa là hôm ấy, mọi người thấy cô ta lôi theo cái hộp ấy đi khắp nơi: từ canteen về văn phòng, rồi tới một cuộc họp nào đó để mang về nhà. “Vì công ty chưa có chỗ để tái chế đồ nhựa nên tôi mang về nhà tái chế”, cô bạn giải thích với những người mới, nhìn cô nàng kỳ cục với cái hộp salad trống không, cồng kềnh. Cô ấy mới chỉ là một trong những người thích “phiền hà” ở quanh tôi.
Hồi còn học trong trường đại học, chúng tôi có một hệ thống thùng rác khá phức tạp ở canteen. Không chỉ phân loại đồ tái chế được hay không tái chế được, rác còn được phân loại theo cách thức tái chế: đốt làm nguyên liệu, ủ làm phân bón hay làm sạch và tái sử dụng. Sau giờ ăn trưa, chúng tôi xếp thành hàng dài để đợi nhau phân loại rác. Lạ nhất là ai cũng chăm chú đứng suy nghĩ xem rác trên khay thức ăn của mình thuộc loại nào và bỏ đúng vào thùng đó dù hệ thống phân loại này phức tạp với ngay chính sinh viên Thuỵ Điển. Không ít lần chúng tôi quay sang hỏi nhau: rác này là loại rác nào, rồi cùng bàn luận để bỏ vào đúng thùng. Ai cũng có thể vội nhưng xếp hàng để phân loại rác dường như là việc đương nhiên.
Rồi còn vài thói quen “phiền hà” nữa mà tôi bắt đầu có được và một ngày, nhận ra hoá ra mình cũng thích “phiền hà” ra phết: chọn loại trà có ký cam kết thân thiện với rừng nguyên sinh nhiệt đới, chọn mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật hay chọn các loại khử mùi không có CFC… Số lượng những người thích “phiền hà” cứ nhiều lên đồng nghĩa với một thế hệ quan tâm hơn đến môi trường.
Một ngọn cỏ cũng làm nên nụ cười
Có nhiều lý do để giải thích cho cách sống thân thiện với môi trường của người Thuỵ Điển. Nhưng với riêng tôi, tôi nghĩ rằng đơn giản vì thiên nhiên ở đây quá khắc nghiệt nên người dân hiểu được giá trị của tán cây xanh hay một thảm cỏ sạch. Sáu tháng mùa đông bị giam cầm trong tuyết làm người Thuỵ Điển nhớ đến điên cuồng ánh nắng và màu xanh. Ngày đầu tiên có nắng của tháng 3, người dân thành phố tôi đổ ra đường chỉ để sưởi nắng và trò chuyện. Thời sự địa phương đưa tin về đợt nắng đầu tiên và cách người dân chào mừng. Các báo ngập tràn quảng cáo về dụng cụ làm vườn hay vật liệu xây dựng nhà vườn. Nếu đang đi bách bộ, một tiếng chim hót hay một bông hoa chuông mới nhú lên mặt đất cũng đủ làm cho mọi người dừng lại, trầm trồ và hạnh phúc. Nói không văn vẻ, một ngọn cỏ xanh nhú ra sau tuyết cũng làm chúng tôi hạnh phúc sau một mùa đông dài.
Cuối tuần sau, văn phòng tôi tổ chức đi picnic ở công viên rắn, nơi đúng thời điểm này hàng năm, có những chú rắn sẽ thức dậy sau giấc ngủ đông và chui ra khỏi hang. Một lý do ăn mừng đáng yêu rất Thuỵ Điển. Và mùa xuân đã thực sự đến với đất nước xa về phương Bắc này...
0 comments:
Post a Comment