Ngày Độc thân ở Trung Quốc chỉ kéo dài 24 tiếng đồng hồ nhưng tác động môi trường từ cơn sốt mua sắm có thể "ở lại" nhiều năm...
Bài viết liên quan:
Ngày Độc thân 11/11 còn được gọi là ngày “Song thập nhất”. Đây là một kiểu biến tấu của Ngày Tình yêu, được khởi xướng bởi sinh viên Trung Quốc vào những năm 1990. Đến năm 2009, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã biến ngày này trở thành một “ngày hội” mua sắm trực tuyến và sau đó nhiều đối thủ của Alibaba đã làm theo.
Ngày Độc thân năm 2015, Alibaba đạt mức doanh thu kỷ lục là 91,2 tỷ CNY (tương đương 14,3 tỷ USD). Đến ngày 11/11/2016, Alibaba đã phá kỷ lục của chính mình khi chạm mốc doanh thu 17,8 tỷ USD, cao hơn cả doanh thu gộp chung của cả hai ngày hội mua sắm Black Friday và Cyber Monday ở Mỹ.
Năm nay, các công ty giao nhận phải xử lý hơn một tỷ gói hàng trong Ngày Độc thân, tăng 35% so với năm ngoái, theo Tân Hoa Xã. Chỉ riêng công ty hậu cần của Alibaba là Cainiao đã phải giao đến 657 triệu gói hàng.
Việc vận chuyển các đơn hàng này đòi hỏi phải có hộp giấy, xốp hơi bong bóng, băng keo và các loại bao bì nhựa. Theo một nghiên cứu về tác động môi trường từ sự bùng nổ mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc, cần phải sử dụng khoảng 2 triệu cây xanh và một khối lượng tương đương rơm rạ hoặc giấy phế thải để sản xuất một tỷ thùng các tông để gói hàng.
Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) ước tính chỉ có 20% bao bì ở Trung Quốc được tái chế hoặc tái sử dụng, còn lại bị vứt vào thùng rác. Trong khi đó, hộp các tông còn dính băng keo cũng không thể tái chế được, vì trong băng keo có chứa thành phần nhựa khó phân hủy. Để so sánh, tại Mỹ, có khoảng 63% giấy và hộp các tông được tái chế.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về những ưu khuyết điểm của hình thức mua sắm trực tuyến. Một nghiên cứu vừa được thực hiện bởi Deloitte Consulting hồi đầu năm nay về tác động môi trường của hành vi mua sắm trực tuyến so với mua sắm truyền thống cho thấy, việc mua hàng tại các trung tâm thương mại sẽ gây ra tác động môi trường ít hơn 7% so với mua sắm trực tuyến.
Greenpeace cho rằng Ngày Độc thân của Trung Quốc là một “thảm họa cho hành tinh”, và rằng mọi người cần phải kiềm chế thói quen mua sắm và cưỡng lại sự cám dỗ nhất thời của việc giành được các món hàng với giá ưu đãi.
Theo phát ngôn viên của Tổ chức Greenpeace tại Bắc Kinh Ada Kong, Ngày Độc thân khuyến khích mọi người mua sắm đã trút thêm gánh nặng cho môi trường. Ada Kong kêu gọi Alibaba nên nỗ lực nhiều hơn trong việc giảm thiểu rác thải, đặc biệt khi nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma đã từng cho thấy sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
“Alibaba nên đưa ra ưu đãi dành cho các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng để họ thu gom thùng các tông đã sử dụng và tái chế chúng” – Ada Kong đề xuất.
Alibaba của tỷ phú Jack Ma đạt doanh thu 17,8 tỷ USD trong Ngày Độc thân 11/11/2016. Nguồn: China Business News
Công ty Cainiao đã ra mắt một chương trình thí điểm tái sử dụng các loại hộp các tông và đóng hàng bằng lớp đệm được làm từ chất liệu dễ phân hủy (thay cho xốp hơi bong bóng bằng nhựa để lót trong các kiện hàng chứa đồ dễ vỡ hoặc đồ điện tử nhằm giảm tác động của sự va đập) và giấy tái chế – Rico Ngai – phát ngôn viên của Alibaba cho biết.
Trung Quốc vốn được biết đến như một quốc gia có mức độ ô nhiễm nước và không khí trầm trọng. Đây là hậu quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa quá nhanh trong ba thập kỷ. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng thiệt hại từ ô nhiễm nước và không khí tương đương với 6% GDP hằng năm của nước này, vào khoảng 720 tỷ USD trong năm 2016. Những thiệt hại bao gồm tác động xấu đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên.
Một điều đáng ngạc nhiên là sự ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc lại có liên quan đến sự gia tăng đột biến của mua sắm trực tuyến.
Chuyên gia nghiên cứu Mengyao Li khám phá ra rằng, người Trung Quốc thường tránh ra ngoài vào những ngày có mức độ ô nhiễm không khí trầm trọng, và phần lớn họ dành thời gian đó để… mua hàng qua mạng. Theo kết quả một cuộc nghiên cứu về tác động môi trường từ Ngày Độc thân, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu lĩnh vực mua sắm online khi chiếm đến 34% thị phần bán lẻ trực tuyến trên thế giới.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 comments:
Post a Comment